Trích :
Rồng đứng đầu tứ linh
Trong tâm thức người dân Việt Nam, rồng có vị trí đặc biệt về văn hoá, tín ngưỡng, nó biểu tượng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng Thiên Tử. Rồng cũng đứng đầu trong tứ linh “long, lân, quy, phượng”. Thuyết rồng cũng xuất hiện thuở sơ khai với sự tích “con rồng, cháu tiên” và tập quán trồng lúa nước, trong đó rồng đóng vai trò giúp gió mưa thuận hoà.
Tuy trong tâm thức, rồng luôn giữ vị trí tối thượng nhưng hình ảnh rồng lại biến đổi qua từng thời kỳ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh thuộc trung tâm nghiên cứu Lý học Phương Đông đồng ý rằng, rồng xuất hiện rõ nét nhất vào thời Lý. Hình ảnh “rồng bay lên” – Thăng Long tượng trưng cho vùng đất thiêng và sự vươn lên của dân tộc Việt.
Vào thời kỳ này, rồng cũng được trang trí ẩn hiện trên hình lá đề, cánh sen, ở bệ Đức Phật. Rồng thời Lý có thân hình tròn, uốn lượn nhiều khúc, dài và nhỏ dân về phía đuôi. Chân rồng thường cố định 3 ngón, hình rồng chữ S. Chính sự chặt chẽ về kiến thức đó nên người dân thường trang trí rồng trên các mái đình đền với biểu tượng thiêng liêng. Hình ảnh rồng ngẩng cao đầu, miệng há rộng ngậm ngọc quý, mào rồng hình lửa cùng tai bờm và râu vút lên uy nghi hướng về phía mặt trời là biểu tượng cho sức mạnh thần thánh.
Rồng thời Trần lại khác, tuy kề thừa yếu tố cơ bản của thời Lý nhưng đã có những biến đổi về chi tiết. Rồng bát đầu xuất hiện cặp sừng và đôi tay, mào lửa trên đầu ngắn hơn và phần lưng uốn lượn võng xuống hình yên ngựa.
Rồng thời Lê thì khác biệt hoàn toàn. Các hình dáng được phô bày chứ không chỉ uốn lượn. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to.
Các nhà nghiên cứu dân gian đều đồng ý rằng, rồng đứng đầu trong hàng tứ linh. Hình dáng của rồng mỗi thời một khác là do quan niệm tâm linh và kiến trúc thời đó.